Bộ đề thi học kì 1 môn tiếng Việt lớp 5

ĐỀ THI HK1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5 – SỐ 1

Câu 1: Đọc thành tiếng: Đọc thành tiếng một đoạn trong các bài sau:

1. Thư gửi các học sinh (trang 4,5)

2. Nghìn năm văn hiến (trang 15)

3. Lòng dân (trang 24, 25)

4. Một chuyên gia máy xúc (Trang 45)

5. Những người bạn tốt (Trang 64, 65)

6. Cái gì quý nhất (Trang 85, 86)

Đọc kỹ đoạn văn sau và chọn đáp án phù hợp cho mỗi câu hỏi phía dưới.

Câu 2 – 9:

Đọc thầm văn bản

Cảnh đông con

Mẹ con bác Lê ở một căn nhà cuối phố, một căn nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác, có mỗi một chiếc giường nan đã gãy nát. Mùa rét thì rải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó. Từ sáng sớm tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta phải trở dậy đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng. Nhưng đến mùa rét, khi các ruộng kia đã gặt rồi, cánh đồng chỉ còn trơ cuống rạ, bác Lê lo sợ vì không ai mướn làm việc gì nữa. Thế là cả nhà chịu đói. Mấy đứa nhỏ nhất khóc lả đi mà không có cái ăn. Dưới manh áo rách nát, thịt chúng nó thâm tím lại vì rét. Bác Lê ôm lấy con trong ổ rơm lấy cái hơi ấm của mình ấp ủ cho nó.

Hai thằng con lớn thì từ sáng đã ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc hay đi mót  những bông lúa còn sót lại trong khe ruộng. Thật là sung sướng, nếu chúng đem về   được một lượm, trong những ngày may mắn. Vội vàng bác Lê đẩy con ra lấy bó lúa để dưới chân vò nát, vét hột thóc, giã lấy gạo. Rồi một bữa cơm lúc buổi tối giá rét, mẹ con xúm quanh nồi, trong khi bên ngoài gió lạnh rít qua mái tranh.

THẠCH LAM – Trích (Nhà mẹ Lê )

(Câu 2) Chi tiết nói lên cảnh cơ cực, nghèo đói của gia đình bác Lê là:

A.  Ăn đói, mặc rách.
B.  Nhà cửa lụp xụp.
C.  Từ sáng đã ra cánh đồng kiếm con cua, con ốc.
D.  Cả 3 ý trên đều đúng.

(Câu 3) Nguồn sống của gia đình bác Lê thu nhập từ:

A.  Ruộng của nhà bác Lê. B.  Đi làm mướn.
C.  Đồng lương của bác Lê. D.  Đi xin ăn.

(Câu 4) Nguyên nhân dẫn đến gia đình Bác Lê nghèo đói:

A.  Bác Lê lười lao động. B.  Các con bác Lê bị tàn tật, ốm đau.
C.  Bị thiên tai, mất mùa. D.  Gia đình không có ruộng, đông con.

(Câu 5) Vào mùa trở rét thì gia đình bác Lê ngủ trên:

A.  Chiếc giường cũ nát B.  Chiếc nệm mới.
C.  Ổ rơm D.  Cả 3 ý trên đều đúng

(Câu 6) Chủ ngữ trong câu: “Mùa nực cũng như mùa rét, bác ta phải trở dậy đi làm mướn.” là:

A.  Mùa nực B.  Mùa rét
C.  Bác ta D.  Bác ta phải trở dậy

(Câu 7) Trong câu “bác Lê lo sợ vì không ai mướn làm việc gì nữa” quan hệ từ là:

A.  Vì B.  Gì C.  Làm D.  Không

(Câu 8) Từ trái nghĩa với cực khổ là:

A.  Sung sướng B.  Siêng năng. C.  Lười biếng. D.  Cực khổ

(Câu 9) Từ in đậm trong dòng nào dưới đây được dùng với nghĩa chuyển?

A.  Những chiếc lá rập rình lay động như những đốm lửa bập bùng cháy.
B.  Một làn gió rì rào chạy qua.
C.  Chú nhái bén nhảy phóc lên lái thuyền lá sòi.
DTrên các cành cây xung quanh tôi cơ man là chim.

Câu hỏi tự luận.

Câu 10: Tìm quan hệ từ (và, mà, nhưng, thì) thích hợp và điền vào chỗ chấm trong  câu sau: “Học quả là khó khăn ……….. gian khổ”

Câu 11: Em hãy đặt một câu có sử dụng cặp quan hệ từ (tuy, nhưng):

…………………………………………………………………………………………………………………

Câu 12: Phần viết

4.1. Chính tả:

– Hs nghe viết bài “Một chuyên gia máy xúc”, Sách Tiếng Việt 5 Tập 1 Trang 45.

– Gv đọc cho học sinh viết đoạn sau:

Một chuyên gia máy xúc

Qua khung cửa kính buồng máy, tôi nhìn thấy một người ngoại quốc cao lớn, mài tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng. Tôi đã từng gặp nhiều người ngoại quốc đến tham quan công trường. Nhưng người ngoại quốc này có một vẻ gì nổi bật lên khác hẳn các khách tham quan khác. Bộ áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe, khuôn mặt to chất phác…, tất cả gợi lên ngay từ phút đầu những nét giản dị thân mật.

Theo Hồng Thủy

4.2. Tập làm văn:

Đề bài: Tả một người thân (ông, bà, cha ,mẹ, anh…) của em.

ĐỀ THI HK1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5 – SỐ 2

Chọn một phương án A, B, C, D … cho phù hợp nhất.

Câu 1: Bài “Sắc màu em yêu” của tác giả:

A.  Nguyễn Đình Ảnh B.  Định Hải
C.  Phạm Đình Ân D.  Quang Huy

Câu 2: Từ viết đúng chính tả là:

A.  No nghĩ B.  No ấm C.  Ăn lo D.  No âu.

Câu 3: Từ nào đồng nghĩa với từ “cố hương”.

A.  Quê cũ B.  Hương thơm C.  Nhà cổ.

Câu 4: Từ ”rừng” trong câu nào được dùng với nghĩa gốc?

A.  Núi rừng Trường Sơn như bừng tỉnh.
B.  Ngày khai giảng, sân trường tràn ngập một rừng cờ hoa.
C.  Một rừng người về đây dự hội.

Câu hỏi tự luận.

Câu 5: Tìm tiếng có chứa ươ hoặc ưa điền vào chỗ trống thích hợp.

-Cầu được,…………thấy.

-Năm nắng, ………….mưa.

-……………chảy, đá mòn.

-……………thử vàng, gian nan thử sức.

Câu 6: Xếp các từ có tiếng “hợp” cho dưới đây thành hai nhóm: hợp tình, hợp tác, phù hợp, hợp thời, hợp lệ, hợp nhất, hợp pháp, hợp lực, hợp lý, thích hợp.

a. “hợp” có nghĩa là “gộp lại”:……….

b. “hợp” có nghĩa là “đúng với yêu cầu, đòi hỏi nào đó”:………..

Câu 7: Xác định trạng ngữ, chủ ngữ, vị ngữ của mỗi câu sau:

a. Vì rét, những cây rau trong vườn sắt lại.

b. Dưới đáy rừng, tựa như đột ngột, bỗng rực lên những chùm thảo quả đỏ chon chót như chứa lửa, chứa nắng.

Câu 8: Viết bài văn ngắn tả ngôi nhà em ở.

ĐỀ THI HK1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5 – SỐ 3

Câu 1: Đọc thành tiếng: Giáo viên kiểm tra học sinh đọc và trả lời câu hỏi ở các bài tập đọc đã học từ tuần 1 đến tuần 16 (trong SGK TV5 – T1) trả lời 1 – 2 câu hỏi trong nội dung đoạn đọc.

Đọc kỹ đoạn văn sau và chọn đáp án phù hợp cho mỗi câu hỏi phía dưới.

Câu 2 – 6:

“Đã trưa rồi mà cao nguyên Mộc Châu mát lạnh như đầu một mùa xuân nào. Dưới chân tôi và sau tôi một ngày đường là Hà Nội đang nhễ nhại trong tiếng ve sầu và đường nhựa bốc hơi. Mây trắng Mộc Châu là là trên những ngọn cỏ mát rờn, một thứ cỏ cơm bữa của dê, bò, ngựa nông trường. Ngay chỗ đỗ xe là căng tin. Những cái bóng linh lợi của người lính hòa bình kiến thiết Tây Bắc. Bát phở nóng căng tin, năm sáu năm tới hẳn là ngậy lên cái mùi thịt chín, thịt tái của chính bò nông trường đây. Tách cà phê nóng gợi lên cái hương vị cà phê tương lai của nông trường Tây Bắc. Chẳng bù với quang cảnh năm nào, bộ đội ta vào Tây Bắc mở rộng căn cứ, đất ở đây chỉ một màu trúc và cỏ cháy, nồng lên cái mùi hổ đói. Hàng ngày đường không có tiếng nói của người đi. Toàn là cỏ dại và củ riềng, cái vị gừng cay muối mặn nhớ đời của bữa cơm đơn vị chủ lực quân vào mở đất Sơn La. Bây giờ thì khác quá đi rồi. Cuộc đời mới đang bén rễ đâm chồi mạnh và nơi đây đang kết tinh nhiều giống hoa say nồng chưa nở một lần nào trên lũng đồi Thái Mèo …

Theo Nguyễn Tuân

(Câu 2) Cao nguyên Mộc Châu nằm ở vùng nào của nước ta?

A.  Tây Bắc. B.  Việt Bắc. C.  Tây Nguyên.

(Câu 3) Tác giả miêu tả cảnh cao nguyên Mộc Châu vào mùa nào?

A.  Mùa xuân. B.  Mùa hè. C.  Mùa thu.

(Câu 4) Cảnh vật và cuộc sống được miêu tả trong bài thuộc vào thời gian nào?

A.  Thời thực dân Pháp thống trị.
B.  Thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
C.  Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc.

(Câu 5) Thành ngữ bén rễ đâm chồi trong bài nghĩa là gì?

A.  Hạt gieo xuống đang mọc thành cây.
B.  Cây trồng xuống đang bén rễ.
C.  Cuộc sống đang hồi sinh trở lại sau những năm chiến tranh.

(Câu 6) Câu sau thuộc kiểu câu nào ? “Mây trắng Mộc Châu là trên những ngọn cỏ mát rờn, một thứ cỏ cơm bữa của dê, bò, ngựa nông trường.”

A.  Ai làm gì? B.  Ai thế nào? C.  Ai là gì?

Câu hỏi tự luận.

Câu 7: Gạch chân các quan hệ từ có trong câu sau:

“Dưới chân tôi và sau tôi một ngày đường là Hà Nội đang nhễ nhại trong tiếng ve sầu và đường nhựa bốc hơi”

Câu 8: Kiểm tra  viết

1. Chính tả: Giáo viên đọc cho học sinh viết bài: “Mùa thảo quả”. Viết đoạn từ “ Thảo quả trên rừng Đản Khao đã chín nục đến lấn chiếm không gian ” (SGK TV 5 – T1 trang 113).

2. Tập làm văn

Đề bài: Tả lại hình dáng và tính tình một người thân của em.

ĐỀ THI HK1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5 – SỐ 4

Câu 1: Đọc thành tiếng: Giáo viên cho học sinh gắp phiếu nhận bài đọc từ tuần 10 đến tuần 17 SGK Tiếng Việt 5 – tập 1, trả lời câu hỏi theo quy định.

Đọc kỹ đoạn văn sau và chọn đáp án phù hợp cho mỗi câu hỏi phía dưới.

Câu 2 – 6: Đọc thầm và làm bài tập

NGU CÔNG XÃ TRỊNH TƯỜNG
Khách đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sẽ không khỏi ngỡ ngàng thấy một dòng mương ngoằn ngoèo vắt ngang những đồi cao. Dân bản gọi những dòng mương ấy là con nước ông Lìn. Để thay đổi tập quán làm lúa nương, ông Phàn Phù Lìn, người Dao ở thôn Phìn Ngan đã lần mò cả tháng trong rừng tìm nguồn nước. Nhưng tìm được nguồn nước rồi, mọi người vẫn không tin là có thể dẫn nước về. Ông cùng vợ con đào suốt một năm trời được gần bốn cây số mương xuyên đồi dẫn nước từ rừng già về thôn, trồng một héc ta lúa nước để bà con tin. Rồi ông vận động mọi người cùng mở rộng con mương, vỡ thêm đất hoang trồng lúa.

Con nước nhỏ đã làm thay đổi tập quán canh tác và cuộc sống của trên 50 hộ trong thôn. Những nương lúa quanh năm khát nước được thay dần bằng ruộng bậc thang. Những giống lúa lai cao sản được ông Lìn đưa về vận động bà con trồng cấy, nhờ vậy mà cả thôn không còn hộ đói. Từ khi nước được dẫn về thôn, nhà ai cũng cấy lúa nước chứ không phá rừng làm nương như trước nữa.
Muốn có nước cấy lúa thì phải giữ rừng. Ông Lìn lặn lội đến các xã bạn học cách trồng cây thảo quả về hướng dẫn cho bà con cùng làm. Nhiều hộ trong thôn mỗi năm thu được mấy chục triệu đồng từ loại cây này. Riêng gia đình ông Lìn mỗi năm thu hái trăm triệu. Phìn Ngan từ thôn nghèo nhất đã vươn lên thành thôn có mức sống khá nhất của xã Trịnh Tường.

Chuyện của Ngu Công xã Trịnh Tường nhanh chóng bay về Thủ đô. Ông Phàn Phù Lìn vinh dự được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.

Theo Trường Giang- Ngọc Minh

(Câu 2) Ông Lìn người dân tộc gì?

A.  Tày B.  Kinh C.  Mông D.  Dao

(Câu 3) Ý nào không đúng việc ông Lìn đã làm để đưa được nước về thôn?

A.  Ông Lìn đã cúng bái, xin thần linh cho nước về thôn.
B.  Ông Lìn lần mò cả tháng trong rừng để tìm nguồn nước.
C.  Suốt một năm, ông cùng vợ con đào gần bốn cây số mương xuyên đồi dẫn nước từ rừng già về thôn
D.  Vận động mọi người vào rừng đào mương đưa nước về thôn.

(Câu 4) Nhờ có mương nước, tập quán canh tác và cuộc sống ở thôn Phìn Ngan đã đổi thay như thế nào?

A.  Cả thôn đều đào ao nuôi cá.
B.  Làm ruộng bậc thang cấy lúa nước, không còn phá rừng làm nương.
C.  Cả thôn trồng các giống lúa lai cao sản nên không có hộ đói.
D.  Chỉ có câu a là sai.

(Câu 5) Đầu tiên khi làm con mương, ông Lìn đã làm cùng ai?

A.  Làm cùng hai người bạn thân B.  Làm một mình
C.  Làm cùng vợ con D.  Làm cùng bà con trong xóm.

(Câu 6) Lợi ích của việc ông Lìn hướng dẫn bà con trồng cây thảo quả?

A.  Giúp mỗi gia đình thu nhập mỗi năm hai trăm triệu.
B.  Vừa bảo vệ rừng, giữ được nguồn nước, vừa tăng thêm thu nhập.
C.  Phìn Ngan trở thành thôn giàu có nhất nước.
D.  Giúp cho ông Lìn được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.

Câu hỏi tự luận.

Câu 7: Gạch chân các quan hệ từ có trong câu:

Những giống lúa lai cao sản được ông Lìn đưa về vận động bà con trồng cấy, nhờ vậy mà cả thôn không còn hộ đói.

Câu 8: Tìm trong đoạn 1 của bài Ngu Công xã Trịnh Tường từ đồng nghĩa với các từ sau:

ngạc nhiên: ………………………………………………
thói quen: ………………………………………………

Câu 9: Xác định  chủ ngữ, vị ngữ của câu sau: Những nương lúa quanh năm khát nước được thay dần bằng ruộng bậc thang.

Chủ ngữ :………………………………………………………………………………………….

Vị ngữ:…………………………………………………………………………………………….

Câu 10: Tìm danh từ riêng, tính từ có trong câu sau: Khách đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai sẽ không khỏi ngỡ ngàng thấy một dòng mương ngoằn ngoèo vắt ngang những đồi cao.

Câu 11: Viết một câu có nội dung nói về việc giữ vệ sinh trường (lớp) trong đó có sử dụng quan hệ từ (nhớ gạch chân dưới từ chỉ quan hệ trong câu vừa đặt).

Câu 12: Kiểm tra viết

Chính tả: Nghe – viết: Giáo viên đọc cho học sinh viết bài “Kì diệu rừng xanh” (SGK TV5 -tập 1, trang 76) Đoạn từ (Sau một hồi len lách đến…………….một thế giới thần bí.).
Câu 13: Tập làm văn:

Đề bài: Em hãy tả một người thân trong gia đình em.

ĐỀ THI HK1 MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 5 – SỐ 5

Câu 1: KIỂM TRA ĐỌC THÀNH TIẾNG(Giáo viên kiểm tra đọc thành tiếng đối với từng học sinh).

Nội dung kiểm tra: Các bài đã học từ tuần 01 đến tuần 17, giáo viên ghi tên bài, số trang vào phiếu, gọi học sinh lên bốc thăm và đọc thành tiếng. Mỗi học sinh đọc một đoạn văn, thơ khoảng 100 tiếng/phút (trong bài bốc thăm được) sau đó trả lời một câu hỏi về nội dung đoạn đọc do giáo viên nêu.

Đọc kỹ đoạn văn sau và chọn đáp án phù hợp cho mỗi câu hỏi phía dưới.

Câu 2 – 4:

Đọc thầm và làm bài tập:

NHỮNG CON NGƯỜI ANH DŨNG

Những làng mạc êm đềm, bóng dừa, bóng chuối che rợp các khu vườn mát rượi đất phù sa, con đường đất nhỏ lượn trên bờ rạch nước đầy ăm ắp soi bóng những cây sầu riêng, măng cụt. Những ngôi nhà mái đỏ thấp thoáng trong các khu vườn xoài…Tất cả những nơi mắt tôi nhìn thấy , chân tôi bước qua đều đã mất đi sự bình yên phẳng lặng của nó, không khí chiến tranh đã tràn về tận các thôn ấp xa xôi nhất…

Và cũng từ những thôn ấp xa xôi, bình yên phẳng lặng ấy, những anh thanh niên, những chị phụ nữ, những em bé, những cụ già chất phác hiền lành cũng đã cầm lấy vũ khí thô sơ… Họ đã vùng lên một cách dũng mãnh, sẵn sàng lao vào cái chết để chặn giặc, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những con người đã dời bỏ đô thị chạy đi trước khi giặc tới!

“Tiến lên đường máu, quốc dân Việt Nam!

Non nước tan nát vì quân thù xâm lấn.

Đồng bào mau hiệp sức ra đấu tranh

Đi…đi…nước mất sao ta nỡ đành…

Tiến lên vì nước, thù kia ta đánh lui

Tiến lên đường máu, núi sông sáng ngời…”

Trong tiếng sóng ầm ầm của dòng sông Cửu Long ngày đêm không ngớt thét gào, tiếng hát của họ vờn bay như một cơn bão lốc, âm vang khắp mọi nơi, khi thì như thúc giục gọi kêu, khi thì như giận dỗi trách mắng, lúc lại nghe như buồn bã âu sầu, lúc lại cuồn cuộn lên đầy phẫn nộ…Hay là vì từ trong tấm lòng thơ bé của tôi, từ lúc tâm trạng buồn vui khác nhau làm cho tôi nghe ra như thế, tôi cũng chẳng biết nữa!

Theo ĐOÀN GIỎI – ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM

(Câu 2) Tác giả nhận thấy gì khi đi qua các làng mạc, thôn ấp?

A.  Bóng dừa, bóng chuối che rợp các khu vườn mát rượi đất phù sa.
B.  Những ngôi nhà mái đỏ thấp thoáng trong các khu vườn xoài.
C.  Làng quê không còn sự bình yên, không khí chiến tranh đã tràn về.

(Câu 3) Tinh thần chiến đấu ngoan cường của những con người ở làng quê được miêu tả qua chi tiết nào?

A.  Họ đã cầm lấy vũ khí thô sơ.
B.  Họ vùng lên một cách dũng mãnh, sẵn sàng lao vào cái chết để chặn giặc.
C.  Họ sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những người đã rời bỏ đô thị trước khi giặc đến.

(Câu 4) Tiếng hát của đoàn quân chiến đấu được miêu tả như thế nào?

A.  Vờn bay như một cơn bão lốc, âm vang khắp mọi nơi.
B.  Vờn bay như một cơn gió, âm vang khắp mọi nơi.
C.  Vờn bay như một cơn mưa, âm vang khắp mọi nơi.

Câu hỏi tự luận.

Câu 5: Đoạn văn nói lên điều gì ?

 NHỮNG CON NGƯỜI ANH DŨNG

Những làng mạc êm đềm, bóng dừa, bóng chuối che rợp các khu vườn mát rượi đất phù sa, con đường đất nhỏ lượn trên bờ rạch nước đầy ăm ắp soi bóng những cây sầu riêng, măng cụt. Những ngôi nhà mái đỏ thấp thoáng trong các khu vườn xoài…Tất cả những nơi mắt tôi nhìn thấy , chân tôi bước qua đều đã mất đi sự bình yên phẳng lặng của nó, không khí chiến tranh đã tràn về tận các thôn ấp xa xôi nhất…

Và cũng từ những thôn ấp xa xôi, bình yên phẳng lặng ấy, những anh thanh niên, những chị phụ nữ, những em bé, những cụ già chất phác hiền lành cũng đã cầm lấy vũ khí thô sơ… Họ đã vùng lên một cách dũng mãnh, sẵn sàng lao vào cái chết để chặn giặc, sẵn sàng cưu mang, giúp đỡ những con người đã dời bỏ đô thị chạy đi trước khi giặc tới!

“Tiến lên đường máu, quốc dân Việt Nam!

Non nước tan nát vì quân thù xâm lấn.

Đồng bào mau hiệp sức ra đấu tranh

Đi…đi…nước mất sao ta nỡ đành…

Tiến lên vì nước, thù kia ta đánh lui

Tiến lên đường máu, núi sông sáng ngời…”

Trong tiếng sóng ầm ầm của dòng sông Cửu Long ngày đêm không ngớt thét gào, tiếng hát của họ vờn bay như một cơn bão lốc, âm vang khắp mọi nơi, khi thì như thúc giục gọi kêu, khi thì như giận dỗi trách mắng, lúc lại nghe như buồn bã âu sầu, lúc lại cuồn cuộn lên đầy phẫn nộ…Hay là vì từ trong tấm lòng thơ bé của tôi, từ lúc tâm trạng buồn vui khác nhau làm cho tôi nghe ra như thế, tôi cũng chẳng biết nữa!

Theo ĐOÀN GIỎI – ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM

Câu 6: Chọn thành ngữ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống cho phù hợp?

a. Dân tộc Việt Nam có truyền thống…………………………………………………………

b. Dù đi đến phương trời nào chúng tôi vẫn luôn nhớ về……………………………..

c. Là người Việt Nam, ai chẳng tự hào về ………………………………………………của mình.
[non sông gấm vóc, yêu nước thương nòi, quê cha đất tổ]

Câu 7: Chọn từ thích hợp trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống:

a. Tuấn rất ……………………………….(yêu thích, quí mến) các môn học nghệ thuật như Mĩ thuật, Âm nhạc

b. Bác đã đi khắp…………………………………..(năm châu, non sông) để tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam

c. Dù có đi đâu xa, ông tôi vẫn luôn đau đáu nhớ về………………………………(quê quán, quê cha đất tổ) của mình.

d. Lan có nước da ………………………………..(đen giòn, đen nhánh) trông rất khỏe mạnh.

Câu 8: Gạch dưới các đại từ có trong đoạn văn sau:

1. Một hôm, Chồn hỏi Gà Rừng:

2. Cậu có bao nhiêu trí khôn?

3. Mình chỉ có một thôi.

4. Ít thế sao?

5. Mình có hàng trăm.

6. Một buổi sáng, đôi bạn dạo chơi trên cánh đồng.

7. Chợt thấy một người thợ săn, chúng cuống quýt nấp vào một cái hang.

Câu 9: KIỂM TRA VIẾT:

1. Chính tả:

Múa rối nước Việt Nam

Tôi nghe văng vẳng tiếng đàn bầu, một nhạc cụ độc đáo của Việt Nam,  một món quà của tiên nữ! Khi người nhạc công rung cái cần mềm mại được gắn liền với một sợi dây đơn, những nốt nhạc thánh thót, trầm bổng vang lên, miêu tả tất cả sự chia ly và nỗi buồn. Tôi bỗng cảm thấy bâng khuâng. Nhớ lắm! Vì một phần đời tôi đã để lại Việt Nam…

Tôi đã được xem múa rối nước ở Hà Nội… Những nghệ sĩ điều khiển con rối đã mê hoặc các khán giả Mĩ.

Theo LÂY-ĐI BO-TƠN

2. Tập làm văn

Đề bài: Hãy tả một buổi trong ngày (sáng, trưa hoặc chiêu, tối) ở một vườn cây (hoặc trên cánh đồng, nương rẫy, núi đồi, xóm làng….) của em.

Updated: 04/12/2021 — 22:05

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *